SỬ DỤNG KHÁNG SINH AN TOÀN TRONG CHĂN NUÔI GÀ THỊT
PGS.TS Phạm Ngọc Thạch
Kháng sinh đã được sử dụng cho vật nuôi từ năm 1938. Sau đó kháng sinh đã được sử dụng rộng rãi và được xem như là biện pháp phòng và điều trị hữu ích cho vật nuôi.
Tuy nhiên sử dụng kháng sinh không hợp lý (dùng không đúng liều lượng, không được kê đơn, hoặc lạm dụng kháng sinh) sẽ làm gia tăng nguy cơ kháng thuốc ở các vi khuẩn gây bệnh. Các vi khuẩn kháng thuốc có thể tồn tại trong môi trường (đất, nước và không khí), trong động vật, trên người và trong thức ăn. Chúng có thể lây truyền giữa động vật và người thông qua thức ăn có nguồn gốc động vật, và lây truyền từ người sang người.
Kháng sinh gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ con người, động vật và cho xã hội. Dự báo đến năm 2050, số lượng người chết hàng năm do kháng sinh cũng ảnh hưởng đến sinh kế của người chăn nuôi, nó làm tăng chi phí điều trị và tăng tỷ lệ gia cầm chết.
Sử dụng kháng sinh an toàn và hợp lý trong chăn nuôi gia cầm là hành động thiết thực để giảm thiểu kháng kháng sinh.
- Tồn dư kháng sinh trong thịt và lông gà
Sử dụng kháng sinh không hợp lý cũng làm tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm gia cầm. Tiêu thụ các sản phẩm gia cầm có hàm lượng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép có ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ con người và thúc đẩy tiến trình kháng kháng sinh.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy tồn dư của nhiều loại kháng sinh như: kanamycin, neomycin, streptomycin, và spectinomycin đã được phát hiện trong khoảng từ 1-13% mẫu lông và thịt gà.
Kết quả phân tích 127 mẫu thịt gà thu thập ở chợ, lò mổ, và ở trại chăn nuôi cho thấy 11% số mẫu có chứa hàm lượng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép, khoảng 6% số mẫu có hàm lượng kháng sinh tồn dư cao gấp 10 lần ngưỡng cho phép.
- Sử dụng kháng sinh an toàn trong chăn nuôi gà thịt
Để sử dụng kháng sinh an toàn trong chăn nuôi gà thịt, người chăn nuôi cần thực hiện đúng các nguyên tắc sử dụng kháng sinh an toàn trong chăn nuôi gà thịt
– Chỉ sử dụng kháng sinh khi được bác sỹ thú y kê đơn hoặc trực tiếp điều trị
– Phải tuân thủ liều lượng và liệu trình ghi trong đơn của bác sỹ thú y, ngay cả khi các triệu chứng nhiễm khuẩn có và đã chấm dứt
– Chỉ mua kháng sinh ở những cơ sở được cấp phép
– Không được sử dụng kháng sinh còn thừa từ những lần điều trị trước
– Ghi chép lại đầy đủ các thông tin về kháng sinh được sử dụng trong các trang trại: tên, liều lượng dùng, ngày sử dụng, mực đích sử dụng
– Phải tuân thủ đúng đường đưa thuốc và liều lượng thuốc như hướng dẫn của nhà sản xuất
– Lựa chọn đường đưa thuốc dựa vào mức độ nhiễm khẩn: ví dụ đường uống sẽ phù hợp khi nhiễm khuẩn nhẹ và đang ở giai đoạn đầu, nhưng khi nhiễm khuẩn đa diễn biến nặng thì phải sử dụng đường tiêm
– Các kháng sinh phổ rộng, các kháng sinh thế hệ mới chỉ nên dùng trong những trường hợp thật cần thiết, khi các kháng sinh cũ đã mất hiệu lực
– Chỉ sử dụng nhiều hơn một kháng sinh cho các trường hợp cần thiết
– Ngừng sử dụng thuốc kháng sinh theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất thuốc trước khi bán gà thịt.
- Làm thế nào để hạn chế việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.
– Áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học
– Sử dụng khẩu phần ăn phù hợp cho từng lứa tuổi gà và cung cấp đầy đủ nước sạch
– Khi gà không mắc bệnh, không cần sử dụng kháng sinh hoặc bất cứ loại thuốc gì có liên quan đến kháng sinh
– Sử dụng vacxin hợp lý cho gà
– Tăng cường sức khoẻ cho đàn gà bằng cách sử dụng hợp lý các thức ăn bổ sung như: men vi sinh, axit hữu cơ, thảo dược (tỏi, gừng,..).