ỨNG PHÓ TOÀN DIỆN DỊCH BỆNH TRÊN GIA CẦM
PGS TS PHẠM NGỌC THẠCH – CHUYÊN GIA TẬP ĐOÀN INVET – GIẢNG VIÊN CAO CẤP HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
Dịch bệnh trên gia cầm được ngành chức năng dự báo sẽ bùng phát trong năm 2023 khi hiện nay, nhiều bệnh nguy hiểm ở động vật có chiều hướng gia tăng trở lại. Vì thế, chú trọng và chủ động tìm ra các giải pháp ứng phó phòng chống dịch bệnh một cách toàn diện mới tạo cơ hội để ngành chăn nuôi gia cầm phát triển.
Ảnh hưởng nghiêm trọng
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 11 tháng đầu năm 2022, cả nước phát sinh 46 ổ dịch tại 37 huyện của 22 tỉnh, thành phố, trong đó: 43 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1, 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6, 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N8. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 96.217 con. Nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao do tổng đàn gia cầm lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm đa số, chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, chưa an toàn dịch bệnh, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vaccine. Điểm nghẽn lớn nhất trong ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay là dịch bệnh, bởi nó tác động đến mọi khía cạnh của hoạt động chăn nuôi gia cầm. Trước tiên là ảnh hưởng đến việc xác định quy mô sản xuất. Điều này xảy ra không chỉ với các cơ sở chăn nuôi mà hầu hết các cơ sở sản xuất thức ăn và chế biến sản phẩm chăn nuôi do có có liên quan chặt chẽ với nhau. Vì không thể dự báo được tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế nên hầu hết các tập đoàn lớn và ngay cả các trang trại chăn nuôi có quy mô nhỏ, trung bình cũng đều rất lúng túng trong khâu xác định quy mô chăn nuôi cho thời gian tiếp theo. Điều này kéo theo hệ lụy là các cơ sở chế biến thức ăn, sản phẩm chăn nuôi, các nhà xuất nhập khẩu… đều bị động theo. Chính vì vậy, các chuyên gia thế giới dự báo, giá cả trong năm 2023 sẽ diễn biến hết sức phức tạp, sẽ có một số doanh nghiệp lớn mạnh hơn, ngược lại sẽ không ít doanh nghiệp chăn nuôi bị tiếp tục bị phá sản. Ngoài ra, công tác tái đàn cũng bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Bởi đã không ít trường hợp phải gánh chịu những hệ lụy, rủi ro, thậm chí là thiệt hại kinh tế lớn do dịch bệnh khi nhập đàn, tái đàn. Nguyên nhân là do người nuôi nóng vội, chưa tìm hiểu kỹ về thời điểm tái đàn, nhập đàn. Đồng thời, có thể tại thời điểm thời tiết khí hậu đang diễn biến phức tạp (mưa gió, rét đậm rét hại…) trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe đàn gia cầm. Nghiêm trọng hơn, nếu bệnh dịch xảy ra, người nuôi không chỉ tốn kém kinh phí, thời gian chữa trị, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của gia cầm. Đặc biệt, khi dịch bệnh xảy ra sẽ tăng chi phí về thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng, thời gian nuôi, tang chí phí thuốc thú y. Từ đó sẽ làm tang giá thành sản phẩm cũng như giảm chất lượng sản phẩm.
Khó kiểm soát
Dịch bệnh đã gây thiệt hại lớn cho người nuôi, vì vậy, công tác phòng, chống luôn được xem là nhiệm vụ hàng đầu. Tuy nhiên, đây là vấn đề không dễ bởi hiện nay ở nước ta, quy mô chăn nuôi của đa số các hộ dân còn nhỏ lẻ, một bộ phận đồng bào dân tộc, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa vẫn còn tập quán chăn nuôi thả rông nên khó phát hiện dịch bệnh. Khi phát hiện dịch bệnh, người dân thường không khai báo cụ thể, gây khó khan cho việc chống dịch. Một số trường hợp người nuôi thường dùng các phương pháp dân gian để tự điều trị, đến khi chữa không khỏi bệnh hoặc bệnh có diễn biến phức tạp mới báo cho chính quyền địa phương và thú y cơ sở. Từ đó, việc bao vây, khống chế và xử lý các ổ dịch gặp nhiều khó khăn vì khi đó dịch bệnh đã lây lan ra diện rộng. Mặt khác, việc tổ chức các đợt tiêm phòng cho đàn gia cầm dù đã có những tiến bộ, song nhìn chung công tác tiêm phòng và chất lượng tiêm phòng vẫn chưa thực sự đảm bảo. Nguyên nhân do nhận thức của người dân về tiêm phòng cho đàn gia cầm còn thấp. Mạng lưới thú y cơ sở, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa vẫn còn còn thiếu và yếu (phần lớn không được đào tạo nghiệp vụ bài bản, chủ yếu là tập huấn ngắn hạn) nên chưa tham mưu tốt cho chính quyền trong các đợt tiêm phòng và chống dịch. Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều trang trại chăn nuôi còn nằm ngoài vùng quy hoạch, gần khu dân cư hoặc nằm trong khu dân cư làm ảnh hưởng việc theo dõi giám sát lưu hành vi khuẩn, virus…
Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.
Để công tác khống chế dịch bệnh đạt hiệu quả như mong muốn, đòi hỏi cùng lúc phải thực hiện đồng bộ nhiều nội dung. Bộ NN&PTNT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án ưu tiên về vùng an toàn dịch bệnh (giai đoạn 2022 – 2030).
Tập trung xây dựng thành công các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn của tổ chức Thú y Thế giới (OIE) tại vùng Đông Nam bộ. Từ đó, nhân rộng mô hình, vận dụng xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh tại các địa phương khác trên phạm vi cả nước; Tạo điều kiện nâng cao năng suất, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước, thúc đẩy tăng nhanh xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật. Bên cạnh đó, cần xác định vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, tích hợp vào quy hoạch cấp tỉnh và tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch, xác định rõ các vùng cần xây dựng để đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và OIE. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư số 14/2016/TTBNNPTNT (ngày 1/6/2016 của Bộ NN&PTNT) quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch, bảo đảm phù hợp, sát thực tế để hướng đến xuất khẩu, đặc biệt về các cơ chế chính sách để đảm bảo kinh phí hoạt động hiệu quả. Tập huấn nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về chăn nuôi an toàn dịch bệnh; Thông tin truyền thông phổ biến kiến thức về an toàn dịch bệnh tạo nhận thức chung của cộng đồng. Người chăn nuôi cần tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; Thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất; Tổ chức tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, sát trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh