VACXIN LÀ GIẢI PHÁP HỮU HIỆU KIỂM SOÁT DỊCH BỆNH TRONG CHĂN NUÔI
PGS.TS Phạm Ngọc Thạch
Học viện Nông Nghiệp Việt Nam
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt là sự xuất hiện nhiều bệnh ghép với tốc độ lây nhiễm nhanh, gia tăng độ phức tạp, khó lường, khó dự báo và gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi thì việc sử dụng vắc xin để chủ động phòng, chồng dịch bệnh cho đàn vật nuôi được xem là một trong các biện pháp hiệu quả và ít tốn kém hơn cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, không phải người chăn nuôi nào cũng nắm vững kỹ thuật sử dụng và bảo quản đúng cách để phát huy hết tác dụng của vắc xin.
- Vắc xin và vai trò của vắc xin trong chăn nuôi.
Vắc xin là chế phẩm sinh học, chứa các mầm bệnh đã bị làm yếu hay làm chết, sau khi tiêm vào cơ thể nó kích thích cơ thể sinh ra kháng thể đặc hiệu chống lại mầm bệnh (còn gọi là miễn dịch). Việc dùng vắc xin để phòng bệnh cho vật nuôi gọi chung là tiêm phòng. Có 2 loại vắc xin chủ yếu:
– Vắc xin nhược độc: là loại vắc xin được chế từ vi khuẩn hoặc virus đã dược làm yếu đi đến mức không gây nguy hiểm cho cơ thể nhưng vẫn đáp ứng miễn dịch tốt, hoặc từ những chủng vi sinh vật vốn có tính gây bệnh thấp được tuyển chọn tự nhiên.
– Vắc xin chết (vắc xin vô hoạt): là loại vắc xin được chế từ vi khuẩn, virus đã bị giết chết. Đây là loại vắc xin an toàn, ổn định và dẽ sử dụng, nhưng hiệu lực thường kém và thời gian sử dụng ngắn.
Như vậy, tiêm chủng là đưa một lượng vắc xin vừa đủ vào cơ thể để kích thích hệ miễn dịch của cơ thể chủ động sản xuất kháng thể đặc hiệu để chống lại tác nhân gây bệnh. Do vậy, vai trò và lợi ích của tiêm chủng vắc xin phòng bệnh được cho là biện pháp bảo vệ sức khoẻ cho đàn vật nuôi hiệu quả nhất, làm giảm được số mắc, giảm nhẹ bệnh và giảm tỷ lệ chết cho đàn vật nuôi; ngăn ngừa sự bùng phát dịch, ảnh hưởng đến sức khỏe và an sinh của cộng đồng.
Mỗi loại bệnh thì có một loại vắc xin riêng cho bệnh đó và hiệu quả của vắc xin còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố, như: tính tương đồng của vắc xin, cách bảo quản, kỹ thuật tiêm và đối tượng được tiêm phòng.
- Những nguyên tắc chung khi sử dụng vắc xin
Vacxin chủ yếu dùng để phòng bệnh. Sau khi tiêm vacxin một thời gian nhất định động vật mới có miễn dịch, vì vậy để sử dụng vacxin mang lại hiệu quả cao, cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Bảo quản vắc xin
Đây là một yếu tố đặt lên hàng đầu bởi vắc xin luôn đòi hỏi phải bảo quản ở một điều kiện nghiêm ngặt, đặc biệt là các loại vắc xin nhược độc. Vắc xin phải được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp: < 0 độ C (đối với vắc xin sống), từ 2 – 8 độ C (đối với vắc xin chết) khi vận chuyển, cần giữ trong điều kiện nhiệt độ thích hợp cho từng loại vắc xin, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp và phải có thùng bảo ôn phích đá để bảo quản, trong suốt quá trình vận chuyển.
- b. Sử dụng vắc xin
Nếu khâu bảo quản tốt song chúng ta sử dụng vắc xin không đúng kỹ thuật thì hiệu quả cũng sẽ thấp. Khi sử dụng vắc xin chúng ta cần chú ý các nguyên tắc sau:
– Xác định đối tượng cần phòng bệnh để chọn vắc xin sử dụng cho phù hợp.
– Thực hiện việc phòng bệnh hàng năm, đối với vùng có ổ dịch cũ vùng có bệnh truyền nhiễm phát sinh theo mùa và các vùng có nguy cơ.
– Khi vận chuyển gia súc đi nơi khác nên tiêm phòng trước 15 – 20 ngày nếu nhập con giống từ nơi khác về phải theo dõi tiêm phòng và sau 20 –25 ngày mới cho nhập đàn, vắc xin phòng bệnh nào thì chỉ được dùng cho loại bệnh đó.
– Hiệu lực của vắc xin và thời gian có tác dụng của vắc xin
Tình trạng sức khỏe của vật nuôi, điều kiện ngoại cảnh sẽ ảnh hưởng tới hiệu lực của vắc xin chỉ sử dụng vắc xin khi vật nuôi khỏe mạnh tùy loại vắc xin thời gian cơ thể sẽ tạo được miễn dịch sau khi tiêm là khác nhau. Dùng vắc xin trong khoảng thời gian mát mẻ trong ngày, không để ánh nắng. chiếu trực tiếp vào vắc xin trong quá trình sử dụng. Lưu ý, trong thời gian đầu vật nuôi chưa có miễn dịch đầy đủ nên vẫn có thể phát bệnh.
– Liều sử dụng và số lần dùng
+ Cần sử dụng liều lượng vắc xin đúng theo chỉ định của nhà sản xuất tuỳ loại vắc xin động vật cảm nhiễm và tình hình dịch tễ mà số lần sử dụng khác nhau, có loại chỉ dùng 1 lần đã đủ miễn dịch cho con vật, một số vắc xin cần dùng nhắc lại hai hoặc nhiều lần (theo hướng dẫn sử dụng).
+ Trước khi sử dụng bà con phải kiểm tra lọ vắc xin như các thông số đã ghi trên nhãn, tên vắc xin, số lô, số liều sử dụng, ngày sản xuất, số kiểm nghiệm xuất xưởng, thời hạn sử dụng, quy cách bảo quản.
+ Những khác thường của lọ vắc xin như nút bị hở, lỏng, tem bị rách, lọ thủy tinh có bị rạn nứt.
+ Tình trạng vắc xin trong lọ: màu sắc, kết cấu, có bị vón không, có vật lạ không, độ đồng nhất (nếu khi lắc lọ vắc xin vẫn chia thành 2 lớp là đã bị hư hỏng).
– Pha vắc xin đúng chỉ dẫn, trước khi sử dụng phải lắc kỹ lọ vắc xin.
– Vắc xin pha xong dùng ngay, không để quá 2-3 giờ sau khi pha, không cầm lâu trong tay; nếu thừa phải hủy, không được dùng cho ngày hôm sau; không vứt bừa bãi chai lọ, kim tiêm.
– Sau khi tiêm vắc xin, cần theo dõi vật nuôi để kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc, gia cầm phản ứng sau khi tiêm để có biện pháp can thiệp.
– Khử trùng các dụng cụ dùng để đựng, pha chế vắc xin bằng cách hấp hoặc luộc không được rửa bằng thuốc sát trùng. Trong lúc tiêm phòng cần tránh ánh nắng mặt trời.
- c. Những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng vắc xin
* Đường đưa vắc xin
Tùy theo từng loại vắc xin theo hướng dẫn của cơ quan Thú y, gồm: Tiêm dưới da;Tiêm bắp thịt; Phun sương, nhỏ mắt, mũi, miệng và chủng màng da đối với vắc xin đậu.
* Phản ứng sau khi dùng vắc xin
Sau khi dùng vắc xin vật nuôi có thể bị phản ứng do các chất phụ trợ trong vắc xin hoặc cơ thể đang ủ bệnh. Các phản ứng cục bộ tại chỗ tiêm là sưng nóng, đau… nhưng sau một thời gian phản ứng này sẽ mất. Khi có phản ứng cục bộ cần xử lý bằng cách chườm nước nóng tại vị trí tiêm, trường hợp nơi tiêm bị nhiễm trùng gây ap – xe mủ thì phải điều trị bằng kháng sinh.
* Xử lý vắc xin thừa
Tất cả vắc xin thừa sau mỗi ngày tiêm cần tập trung lại và tiêu hủy dùng nhiệt hoặc hóa chất các dụng cụ tiêm hoặc nhỏ vắc xin phải rửa sạch và sát trùng ngay.
* Sổ ghi chép
Lập sổ theo dõi, ghi chép đầy đủ ngày dùng, tên, số lô trạng thái và hạn sử dụng của vắc xin; tình trạng sức khoẻ của vật nuôi trước và sau khi sử dụng vắc xin.
- Một số bệnh cần chú ý tiêm phòng cho vật nuôi– Đàn lợn: tiêm phòng vacxin Lở mồm long móng, Dịch tả, Tụ huyết trùng, tai xanh, sưng phù đầu, phó thương hàn.
– Đối với trâu bò: tiêm phòng vacxin Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng.
– Đối với chó, mèo: tiêm phòng bệnh Dại.
– Đối với gà: tiêm phòng vacxin Newcatle, Gumboro, vacxin Cúm, viêm khí quản truyền nhiễm.
– Đối với vịt: tiêm phòng vacxin Dịch tả vịt, vacxin Cúm.