BỆNH GLASSER TRÊN LỢN

Đăng ngày:

BỆNH VIÊM ĐA XOANG (GLASSER’S) TRÊN HEO VÀ GIẢI PHÁP KHỐNG CHẾ

PGS.TS Phạm Ngọc Thạch

Học Viện NN Việt Nam

         Bệnh Glasser’s ở heo là một bệnh truyền nhiễm do Haemophilus Parasuis (H.parasuis) gây ra cho heo trên mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là heo con từ 4-8 tuần tuổi, với biểu hiện ho, khó thở, thở ngồi kiểu chó ngồi với đặc điểm gây viêm đa khớp, viêm phổi dính sườn, viêm tràn dịch, viêm màng não và có thể dẫn đến chết. Bệnh tồn tại dai dẳng, gây ra những hậu quả lớn cho người nuôi.

1- Đặc điểm của bệnh

         Bệnh do vi khuẩn Haemophilus Parasuis (H.parasuis) gây ra cho heo trên mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là heo con từ 4-8 tuần tuổi. Vi khuẩn từ môi trường xâm nhập vào cơ thể rồi khu trú tại đường hô hấp trên của heo như xoang mũi hay hạch amidan. Khi các yếu tố stress như thay đổi thời tiết, di chuyển đàn, dịch PRRS, cúm heo hay circo…xuất hiện và tấn công cơ thể heo làm cho hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu, từ đó vi khuẩn tăng độc lực và di chuyển vào máu đến các cơ quan: màng não, màng bụng, màng phổi, màng tim, khớp.

Bệnh chủ yếu lây lan qua đường hô hấp và nhanh chóng gây nhiễm trùng máu rồi phát triển bệnh trên hầu hết các cơ quan trong cơ thể lợn.

2- Yếu tố gây bùng phát bệnh Glasser trên heo

         Vi khuẩn gây bệnh glasser trên heo là loại vi khuẩn cơ hội, thường xuất hiện nhiều ở đường hô hấp, thường không gây bệnh hoặc gây bệnh ở thể mãn tính hoặc bùng phát bệnh dịch tại khu vực, ít gây chết ở heo. Khi gặp được các điều kiện thuận lợi như:

+ Thay đổi thời tiết đột ngột, độ ẩm không khí cao

+ Chuồng nuôi có độ thông thoáng kém

+ Chuyển chuồng

+ Thức ăn thay đổi đột ngột

+ Cai sữa

+ Heo nhiễm virus hoặc nhiễm vi khuẩn khác,… sẽ làm bùng phát dịch bệnh thành ổ dịch cấp tính làm heo chết với tỉ lệ cao, kèm theo heo bị nhiễm viêm phổi từ bệnh cúm trên heo.

3- Cơ chế sinh bệnh

         Các cơ quan đích mà H.parasuis hướng đến là các màng bao, các xoang trong cơ thể như màng não, màng bụng, màng phổi, màng tim, khớp. Tại đó, vi khuẩn gây tổn thương bằng các ổ viêm có chứa dịch rỉ viêm, sợi fibrin…rồi ngăn cản các cơ quan trên thực hiện chức năng sinh lý bình thường dẫn đến các hiện tượng bệnh lý như rối loạn vận động, khó thở, run, sốt…Trong đó, khi vi khuẩn tấn công vào não và màng não rồi gây viêm tại đây là nguy hiểm nhất vì khi đó, hệ thống thần kinh trung ương của vật bị tổn thương nghiêm trọng và khả năng gây chết là cao và nhanh nhất.

4- Triệu chứng

* Trường hợp cấp tính

Heo mắc bệnh rất nhanh, sốt 40 – 41 độ C, bỏ ăn, khó thở và thở nhanh, thở hóp bụng. Một biểu hiện đặc trưng là ho ngắn 2 –3 cái. Một số trường hợp heo chết đột ngột và có các triệu chứng thần kinh do viêm não. Các triệu chứng khác tùy thuộc vào cơ quan đích mà vi khuẩn tấn công (viêm khớp, què, vùng da mỏng đỏ hoặc tím).

* Trường hợp mãn tính

Heo mắc bệnh glasser mãn tính thường nhợt nhạt và phát triển chậm. Tỷ lệ nhiễm bệnh khoảng từ 5 – 15%. Khi viêm màng bao tim kéo dài có thể gây chết. Khi phát hiện cần loại thải sớm để giảm nguồn bệnh.

5- Giải pháp khống chế

* Các bước xử lý khi trại nhiễm bệnh Glasser

Khi phát hiện trong trại bắt đầu có heo ốm, bỏ ăn ta cần chẩn đoán càng sớm càng tốt xem có phải là heo bị bệnh glasser hay không?.

+ Trước tiên ta tìm hiểu dịch tễ xem khu vực xung quanh có bị nhiễm mầm bệnh glasser hay chưa do vi khuẩn H.parasuis có khả năng lây nhiễm qua đường hô hấp nên việc xem xét dịch tễ cũng là 1 trong những căn cứ quan trọng để chẩn đoán bệnh sớm. Sau đó dựa vào các triệu chứng điển hình của bệnh như đã nêu ở trên xem heo có biểu hiện triệu chứng bệnh hay không, tiếp đến nếu chưa chắc chắn ta có thể mổ khám heo bệnh để quan sát tiếp các bệnh tích trên các cơ quan đích mà vi khuẩn có thể tấn công như các xoang, các màng bao trong cơ thể.

+ Tại bước này ta cần chú ý chẩn đoán phân biệt giữa bệnh glasser với các bệnh khác như suyễn heo hay APP (viêm phổi màng phổi). Đối với APP cả 2 bệnh đều có triệu chứng ho và màng phổi bị viêm có fibrin nhưng đối với bệnh glasser ngoài ra còn có dịch rỉ viêm và fibrin đóng tại các màng bao và các xoang khác trong cơ thể như não, bụng. khớp,…

+ Cuối cùng, nếu có điều kiện hay muốn biết chính xác nhất ta có thể sử dụng các phương pháp chẩn đoán bệnh glasser trên heo trong phòng thí nghiệm như: phương phát ELISA, PCR, huyết thanh hoặc phân lập để xác định chắc chắn bệnh.

* Khi đã xác định đúng là heo bị bệnh glasser, ta tiến hành điều trị ngay

Bước 1: Tách những con ốm ra khỏi đàn.

Bước 2: Tiêm kháng sinh liều cao cho toàn đàn (dùng các loại kháng sinh có khả năng tác động vào màng não và màng bao khớp tốt nhất). Các kháng sinh nhạy cảm với H.parasuis có thể dùng là: tulacin, amoxicillin, gentamycin, ceftiofur, linco-spec, ampicillin, oxytetracycline hay penicillin hoặc penicillin tổng hợp… (tùy thuộc vào dịch tễ vùng đó nhạy nhất với loại kháng sinh nào hay đã kháng với loại kháng sinh nào mà sử dụng cho phù hợp). Ngoài ra cần phải dùng thuốc kháng viêm (Ketoprofen, Dexamethasone, Diclofenack) và thuốc trợ sức, trợ lực (vitamin C, B1, Cafeinatribenzoat, Gluco-KC, Bio -Tosal, Forentic,..).

Liệu trình tiêm tùy thuộc từng loại kháng sinh nhưng thường là 3-5 ngày.

Bước 3: Trộn kháng sinh 1 tuần liền cho heo ăn ngay sau khi hết liệu trình tiêm.

Bước 4: điều chỉnh lại tiểu khí hậu chuồng nuôi như: giảm mật độ nuôi, tăng thông thoáng chuồng nuôi, lưu ý khi vận chuyển heo, giảm các yếu tố gây stress, kiểm soát tốt PRRS, circo, cúm heo,…

* Phòng bệnh

– Thực hiện an toàn sinh học: đảm bảo mật độ nuôi hợp lý, môi trường thông thoáng, giảm các yếu tố gây stress cho heo,…

– Định kỳ vệ sinh tiêu độc sát trùng bằng

– Sử dụng vacxin phòng bệnh (có thể phòng cho heo từ 5 tuần tuổi trở đi, tiêm 2 mũi cách nhau 2 tuần).