NHỮNG THUẬN LỢI, THÁCH THỨC MÀ NGÀNH CHĂN NUÔI SẼ PHẢI ĐỐI MẶT TRONG NĂM 2023
PGS.TS Phạm Ngọc Thạch, Học Viện NN Việt Nam
Vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 cùng với dịch bệnh trên đàn vật nuôi gây ra, thời gian qua ngành chăn nuôi vẫn duy trì và phát triển tốt. Tuy nhiên, năm 2023 được xem là năm có nhiều thuận lợi, thách thức lớn buộc ngành chăn nuôi phải thích ứng linh hoạt, tìm cơ hội và giải pháp phát triển phù hợp.
- Những thuận lợi
Ngày 23/9, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2022 và thúc đẩy đầu tư phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị đã nhận định:
– Cách mạng khoa học công nghệ 4.0 tạo ra những đột phá trong quản lý, quản trị và sản xuất với xu hướng và yêu cầu cấp thiết về chuyển đổi số gắn với chăn nuôi công nghệ cao; các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiêp tuần hoàn, nông nghiệp số.
– Việt Nam mở cửa du lịch, số lượng người đi du lịch trong nước cũng như khách du lịch đến Việt Nam tăng mạnh, đây chính là cơ hội lớn để việc sử dụng động vật, sản phẩm động vật tăng nhanh.
– Việc mở cửa thị trường cũng giúp các nước hội nhập tiêu thụ lớn, ngành chăn nuôi cũng sẽ có hướng xuất khẩu cao hơn. Nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể lớn mở cửa sẽ là cơ hội lớn để tăng mạnh lượng tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật.
– Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hiện đã và đang có nhiều chính sách phát triển chăn nuôi như: chính sách về hỗ trợ giống, phòng chống dịch bệnh, liên kết tiêu thụ sản phẩm; tái cấu trúc ngành chăn nuôi.
– Đến nay Bộ NN& PTNT đã và đang tập trung triển khai với các đơn vị chuyên ngành sớm đưa chuyển đổi số vào ngành chăn nuôi để có bước chuyển mạnh mẽ trong thời gian tới.
– Về môi trường và công nghệ chăn nuôi, tập trung thực hiện việc tổng hợp, cập nhật dữ liệu môi trường chăn nuôi 2022 về số trang trại lớn, vừa, nhỏ; nông hộ; xử lý chất thải; các loại công nghệ áp dụng; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh thông qua việc giám sát dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng các bệnh truyền nhiềm nguy hiểm; tổ chức tốt việc tổng tấy uế môi trường để ngăn chặn, hạn chế mầm bệnh nhất là đối với các bệnh mới, chủng mới; tổ chức xây dựng các vùng an toàn dịch, cơ sở an toàn dịch, tập trung ở các xã, vùng trọng điểm, các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, gia trại.
– Về thị trường và lưu thông sản phẩm, ngành tiếp tục đa dạng hoá kênh phân phối sản phẩm chăn nuôi, phát triển mạnh các sàn thương mại điện tử nhằm giảm áp lực kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Đồng thời hỗ trợ vận chuyển lưu thông hàng hóa, không để phát sinh thủ tục kiểm tra không cần thiết làm ách tắc hàng hóa.
– Hiện nay, Cục Chăn nuôi và sở NN&PTNT, chi cục chăn nuôi và thú y các tỉnh phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển chăn nuôi theo mật độ phù hợp, kiểm soát môi trường và dịch bệnh. Cùng với đó là phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi với quy mô lớn, đồng bộ. Cục Chăn nuôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi, áp dụng công nghệ cao và áp dụng phần mềm quản lý giống tiên tiến để đánh giá, chọn tạo giống.
– Cục Chăn nuôi cũng thực hiện giải pháp tổ chức sản xuất gắn với thị trường, bảo đảm an toàn sinh học và an toàn thực phẩm. Trong đó xây dựng, phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị sản phẩm. Lấy doanh nghiệp làm yếu tố chủ đạo, lấy hợp tác xã và tổ hợp tác là yếu tố kết nối nông dân.
- Những khó khăn
– Cùng với những khó khăn trong nội tại ngành, bước sang năm 2023, ngành chăn nuôi tiếp tục đối diện với nhiều thách thức lớn từ tác động của dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến thị trường tiêu thụ bất ổn, chi phí sản xuất đầu vào tăng…
– Trong đó, giá thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y tăng cao vẫn là gánh nặng lớn nhất với ngành chăn nuôi lúc này. Chỉ tính riêng năm 2022, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 30 – 40%. Bước sang năm 2023, giá các mặt hàng này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đặc biệt, căng thẳng giữa Nga và Ukraine càng khiến giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao. Ảnh hưởng từ cuộc xung đột này cũng khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới tăng mạnh, trực tiếp ảnh hưởng đến việc lưu thông vận chuyển tất cả các mặt hàng liên quan đến chăn nuôi như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật… Từ đó kéo theo chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi tăng cao, nhiều cơ sở đối diện nguy cơ “treo chuồng”.
– Trước những tác động trên, thị trường hiện cũng là một thách thức lớn của ngành chăn nuôi. Người chăn nuôi rất khó lường trong việc nhập đàn, tái đàn xây dựng kế hoạch, quy mô sản xuất trong năm.
– Trong nội tại ngành chăn nuôi cũng đang đối mặt với các loại dịch bệnh truyền nhiễm như dịch tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục… Điều này tác động rất lớn đến chuỗi cung ứng trong nước cũng như toàn cầu, làm phát sinh những biến động lớn của thị trường. Bệnh mới, chủng mới xuất hiện ngày càng nhanh, công tác phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, khi chăn nuôi càng thâm canh, mật độ cao, nếu yếu tố an toàn sinh học không đảm bảo sẽ làm phát sinh các dịch bệnh, tình trạng kháng kháng sinh trên vật nuôi và cả con người sẽ gia tăng.
– Ngoài ra, thách thức còn đến từ việc toàn cầu hóa thị trường xen lẫn các hình thức bảo hộ sản xuất và chiến tranh thương mại tác động lớn các chuỗi cung ứng. Sản phẩm chăn nuôi ngày càng diễn ra căng thẳng khi Việt Nam là thành viên, đối tác tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do khu vực và thế giới như CPTPP; EVFTA… Yêu cầu sản phẩm chăn nuôi ngày càng phải nâng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, giá thành cạnh tranh.